CỘNG ĐIỂM ƯU TIÊN VÀO ĐẠI HỌC NĂM 2023 ĐƯỢC TÍNH NHƯ THẾ NÀO?

Thứ tư - 11/01/2023 01:47
Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
CỘNG ĐIỂM ƯU TIÊN VÀO ĐẠI HỌC NĂM 2023 ĐƯỢC TÍNH NHƯ THẾ NÀO?
Theo PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, năm 2023, chính sách ưu tiên khu vực trong tuyển sinh vẫn giữ nguyên 4 khu vực. Thời gian qua, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 - nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm và khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.
"Chính sách ưu tiên khu vực trong tuyển sinh năm 2023 sẽ giảm tuyến tính. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên", Bộ GD&ĐT cho biết.
Như vậy, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn.
Với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.
Trước khi đưa ra điều chỉnh này, Bộ GD&ĐT đã thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của vài năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).
Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định trước đây, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.
Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý là tỷ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm thậm chí tỷ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên.
Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.
Theo Bộ GD&ĐT, từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. Như vậy, nếu thí sinh tham gia xét tuyển đại học từ năm thứ 3 trở đi sau khi tốt nghiệp THPT thì sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực.
Việc áp dụng này không chỉ đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà còn với tất cả các phương thức xét tuyển khác; các trường khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh để xét tuyển cần phải quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp.
Các trường đại học vẫn được xét tuyển sớm nếu có nhu cầu
Cũng theo Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy chế tuyển sinh 2023 không thay đổi, các trường đại học vẫn được xét tuyển sớm.
Trước đó vào cuối tháng 11/2022, trong Báo cáo giao ban quý IV về tuyển sinh và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang xem xét không thực hiện xét tuyển đại học sớm trong năm 2023, trừ một số trường hợp đặc thù. Tất cả phương thức xét tuyển đại học, bao gồm cả xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được thực hiện cùng một đợt.
Lý giải điều này, Vụ trưởng Giáo dục đại học cho biết, thông tin trước mang tính chất khuyến cáo, bởi nếu các trường vẫn chỉ xét điểm học bạ và thi tốt nghiệp, việc xét tuyển sớm là không cần thiết, cuối cùng tất cả học sinh đều đăng ký lên hệ thống chung của Bộ. Tuy nhiên, Bộ không yêu cầu các trường dừng xét tuyển sớm, bởi quy chế cho phép điều này.
Năm 2022, các trường được xét tuyển sớm, công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ. Theo kết quả do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hồi tháng 9, gần 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm, nhưng chỉ 35% trong số này đặt ngành đã trúng tuyển sớm ở nguyện vọng một. Còn lại 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi) và 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp.
FORM ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN

Nguồn tin: baophapluat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Quảng cáo trượt phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây