Đơn giản hóa, tránh tối đa nhầm lẫn
Phản ánh những vướng mắc trong mùa tuyển sinh năm 2022, TS Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Giao thông Vận tải cho biết, năm 2022 xảy ra tình trạng thí sinh chọn sai phương thức, sai tổ hợp… Để hạn chế những nhầm lẫn này, Bộ GD-ĐT cần sớm đưa ra giải pháp để thí sinh và các trường chủ động theo dõi, tìm hiểu kỹ trước thời hạn đăng ký nguyện vọng.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm 2023, mặt kỹ thuật trong xét tuyển sẽ được đơn giản hóa để thí sinh tránh tối đa việc nhầm lẫn giữa các phương thức xét tuyển. Các thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo mã tuyển sinh hay theo ngành thay vì đăng ký theo phương thức xét tuyển. Như vậy, dù các em sử dụng phương thức xét tuyển nào thì khi đăng ký vào ngành học mong muốn, các em có thể sử dụng bất cứ kết quả nào mình đang có để trúng tuyển. Việc này sẽ giúp tránh được rất nhiều sai sót cho thí sinh.
Bên cạnh những điều chỉnh về kỹ thuật giúp thí sinh tránh nhầm lẫn khi lựa chọn phương thức xét tuyển khác nhau, Bộ GD-ĐT cũng khuyến cáo các trường điều chỉnh, đánh giá lại hiệu quả các phương thức xét tuyển, loại bỏ những phương thức không thiết thực để tránh gây nhiễu thông tin với thí sinh.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đã đưa ra số liệu thống kê những phương thức xét tuyển có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp dưới 1%. Số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, các cơ sở đào tạo đã tuyển sinh với hàng chục phương thức xét tuyển như: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ); xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh (Điều 8); xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác; xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức để xét tuyển; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; thi văn hóa do cơ sở đào tạo tổ chức để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển;
Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển; chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài; xét tuyển qua phỏng vấn; kết hợp kết quả học tập cấp THPT với với phỏng vấn để xét tuyển...
Trong đó, tỉ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là cao nhất, với 47,98%. Phương thức xét tuyển có tỉ lệ thí sinh nhập học thấp nhất là phỏng vấn với 0%. Phương thức kết hợp kết quả học tập cấp THPT với với phỏng vấn để xét tuyển chỉ đạt 0,01%.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng: “Bộ đưa ra khuyến cáo không dừng ở số lượng mà còn nhiều yếu tố khác để giúp các trường rà soát lại phương thức xét tuyển. Bộ không yêu cầu các trường bỏ phương thức xét tuyển mà đây là dịp lãnh đạo các trường xem xét phương thức này kia có thực sự hiệu quả không”.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh, các trường cần có trách nhiệm tự xác định phân tích hiệu quả các phương thức cũng như tương quan giữa điểm đầu vào với kết quả học tập của sinh viên để đánh giá chính xác các phương thức xét tuyển. Riêng về xét tuyển sớm, các trường không được công bố thí sinh hoàn toàn đủ điều kiện trúng tuyển cũng như không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời điểm quy định. Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng các tài liệu tiếp theo để tổ chức tập huấn, tuyên truyền, định hướng cho thí sinh ngay từ đầu để các em không bỡ ngỡ với việc đăng ký trên hệ thống và có trách nhiệm trong quá trình đăng ký, tránh những sai sót không đáng có.
Đẩy sớm, rút ngắn lịch xét tuyển đại học
Theo Dự thảo Công tác tuyển sinh trình độ đại học mà Bộ GD-ĐT công bố, quy chế năm 2022 tiếp tục được áp dụng. Công tác tuyển sinh được thực hiện trực tuyến trên hệ thống chung của Bộ. Tuy nhiên, năm nay lịch xét tuyển đại học dự kiến sớm hơn, rút ngắn hơn so năm 2022. Cụ thể, thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ trước ngày 30-6, nhận kết quả trước 5-7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ trước 17h ngày 15-8.
Với các phương thức xét tuyển sớm, các trường hoàn thành và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống từ ngày 4-7. Từ ngày 5-7 đến 25-7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Sau đó thí sinh có 11 ngày để nộp lệ phí xét tuyển từ 26-7, nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 14-8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 30-8. Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe, giáo viên, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngày 20-7. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn).
Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ còn 2 tuần, trong khi năm 2022 là 1 tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn 1 tháng so với mốc 17-9 và 30-9 của năm ngoái. Công tác tuyển sinh năm 2023 cũng lưu ý là cơ sở đào tạo cần ban hành quy chế tuyển sinh cụ thể hóa quy chế của Bộ GD-ĐT và có một số điểm cần lưu ý, một số điểm mới và giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022.
Nói rõ hơn về tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, quy chế tuyển sinh được giữ cơ bản ổn định như năm 2022, một số điều khoản có hiệu lực từ năm 2023 như điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần. Để hạn chế nhầm lẫn, sai sót của thí sinh về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên và vấn đề thí sinh tự do, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT, các trường THPT tăng cường truyền thông, hướng dẫn thí sinh. Thí sinh nộp hồ sơ minh chứng về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên tại thời điểm đăng ký dự thi, điểm tiếp nhận chịu trách nhiệm về kết quả rà soát, xác nhận ưu tiên cho thí sinh.