Trang thông tin tuyển sinh và đào tạo - Ra trường có việc ngay
NGÀNH XÃ HỘI NHÂN VĂN VÀ SƯ PHẠM ĐANG THU HÚT ĐƯỢC SỰ QUAN TÂM CỦA CÁC THÍ SINH
Thứ tư - 15/03/2023 02:48
Trong những năm gần đây, nhiều ngành thuộc khối xã hội - nhân văn và sư phạm rất thu hút thí sinh, điểm trúng tuyển đầu vào có ngành xấp xỉ 30 điểm/3 môn.
33% việc làm thuộc khối ngành xã hội và sư phạm
Chia sẻ về vai trò của khối ngành xã hội - nhân văn, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết theo quy định của Bộ GD-ĐT hiện có 440 mã ngành trong 24 lĩnh vực đào tạo. Trong số đó, khối ngành xã hội - nhân văn chiếm khoảng 1/3 tổng số lĩnh vực. Bên cạnh đó, xu hướng thí sinh sử dụng bài thi khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH ngày càng tăng lên. "Từ số lượng ngành đào tạo, số thí sinh đăng ký dự thi, các tổ hợp xét tuyển có chứa môn khoa học xã hội ngày càng tăng cho thấy cơ hội cho người học ở khối ngành này càng nhiều", tiến sĩ Hải đánh giá. Không dừng lại ở đó, tiến sĩ Võ Thanh Hải còn thông tin, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến năm 2025 số lượng việc làm ở VN sẽ tăng 14,5%; trong đó ngành du lịch tăng 27.000 lao động/năm, truyền thông/quảng cáo/marketing 24.000 lao động/năm, giáo dục - đào tạo 18.000 lao động/năm, các ngành nghề khác 9.000 lao động/năm. Với dự báo này, trong 9 nhóm ngành có cơ hội việc làm lớn thì có 5 nhóm liên quan đến khối ngành xã hội - nhân văn và sư phạm. "Như vậy, bên cạnh công nghệ thông tin luôn tăng nhanh trong thời gian gần đây thì các ngành khoa học xã hội có mức tăng tương ứng, riêng nhóm ngành khoa học xã hội và đào tạo giáo viên chiếm 33%. Một số ngành có cơ hội việc làm tốt gồm: các ngành ngôn ngữ, kinh doanh, quản lý, nhóm các ngành có liên quan yếu tố công nghệ thông tin...", tiến sĩ Hải nói. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng chia sẻ sức hút của các ngành đào tạo giáo viên gắn với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, một số ngành đào tạo giáo viên môn học mới hiện đang có nhu cầu tuyển dụng cao và tuyển sinh đầu vào cũng rất "hút" thí sinh như: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… Bên cạnh đó, các ngành ngôn ngữ cũng được thí sinh quan tâm nhiều.
Công nghệ thay đổi tích cực đến khối ngành xã hội
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng công nghệ có những tác động đến ngành nghề, ví dụ truyền thông. "Ngành này hiện khá thu hút người học và công nghệ dù hiện đại đến mấy cũng khó để thay thế hoàn toàn con người, đặc biệt là trong các ngành nghề liên quan trực tiếp đến con người như khoa học xã hội. Tuy nhiên, sinh viên cũng cần quan tâm tới các xu hướng công nghệ có thể ứng dụng trong việc học và làm việc sau này. Đồng quan điểm, tiến sĩ Đoàn Thị Huệ Dung, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng cho rằng có sự tác động rất tích cực từ sự thay đổi của công nghệ lên khối ngành khoa học xã hội. Bởi trước sự phát triển đó, xã hội đang rất cần con người làm chủ thế giới, làm chủ công nghệ.
2 kỹ năng cần có với sinh viên khối ngành này
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, đặc thù của khối ngành khoa học xã hội rất rộng và người học có xu hướng học thêm một ngành khác. Tính liên ngành trong đào tạo ngành này cũng rất lớn. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp các ngành này có cơ hội việc làm đa dạng. Tuy nhiên, theo ông Hải: "Có 2 nhóm kỹ năng sinh viên khối ngành này cần trang bị để ra trường khỏi bỡ ngỡ: ngôn ngữ và tin học. Nếu thiếu 2 kỹ năng này thì ra trường rất khó được doanh nghiệp lựa chọn". Với khối ngành đào tạo giáo viên, thạc sĩ Lê Phan Quốc cho rằng: "Trước hết cần có tình yêu trẻ - điều này là xuất phát điểm để có thể toàn tâm, toàn ý giảng dạy. Khi có điều kiện này, sau này dù công việc có khó khăn gì cũng giúp vượt qua được". Bên cạnh đó, theo ông Quốc, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ còn đòi hỏi sự sáng tạo của chính các thầy cô giáo. Kỹ năng ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Anh cũng là một lợi điểm rất lớn trong bối cảnh hiện nay.
Băn khoăn việc làm cho sinh viên sư phạm
Về vấn đề việc làm, thạc sĩ Lê Phan Quốc giải đáp băn khoăn của một học sinh tỉnh Ninh Thuận theo học ngành sư phạm muốn trở về quê làm việc. Theo thạc sĩ Quốc, Nghị định 116 quy định sinh viên ngành đào tạo giáo viên được miễn học phí và cấp sinh hoạt phí khi đăng ký công tác trong ngành giáo dục sau khi ra trường. Sự khác nhau nằm ở chỗ đơn vị nào cấp các khoản tiền này. Ông Quốc phân tích: "Nếu tỉnh Ninh Thuận đồng ý hỗ trợ tiền học phí và sinh hoạt phí, sinh viên này chắc chắn có "vé" về Ninh Thuận. Tuy nhiên, về Ninh Thuận làm ở đâu còn phụ thuộc vào vấn đề xin việc. Bởi sau khi ra trường, sinh viên ngành sư phạm vẫn phải nộp hồ sơ xin việc như người bình thường, nếu không đạt các tiêu chí tuyển dụng thì vẫn có thể không có cơ hội làm việc tại tỉnh này". Trong trường hợp tỉnh Ninh Thuận không đặt hàng, ông Quốc cho rằng sinh viên vẫn hưởng hỗ trợ kinh phí nhưng khi ra trường có thể xin việc ở bất kỳ địa phương nào, trong đó có cả Ninh Thuận, nếu đủ điều kiện tuyển dụng. "Như vậy, việc miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí không có nghĩa sinh viên sư phạm được đảm bảo việc làm. Người học các ngành này vẫn phải cạnh tranh trong tuyển dụng và đó là động lực để người học phấn đấu nếu muốn có việc làm tốt như mong đợi", thạc sĩ Quốc nhấn mạnh. Tiến sĩ Đoàn Thị Huệ Dung bổ sung thêm một số kỹ năng cần thiết như: kỹ năng giao tiếp, mà đặc biệt là giao tiếp bằng ngoại ngữ; khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc, năng lực số - năng lực ứng dụng công nghệ trong công việc, năng lực kết nối… "Trong một thế giới thay đổi rất nhanh như hiện nay thì năng lực tự học để đáp ứng với những thay đổi là vô cùng quan trọng", tiến sĩ Huệ Dung nhấn mạnh. Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó trưởng bộ môn Xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM, nhấn mạnh: "Bạn trẻ có thể gia tăng sức mạnh của bằng cấp bằng việc học thêm các khóa ngắn hạn khác, khi ra trường dễ dàng bước chân vào một con đường nghề nghiệp cụ thể. Muốn vậy, sinh viên cần xác định được hướng đi sớm để có những trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp".